Mức tiêu thụ rượu bia trên thế giới trong 15 năm qua không tăng lên, trong khi lượng tiêu thụ bia rượu ở Việt Nam tăng trưởng theo đường thẳng đứng. Năm 2010 ở mức 6,6 lít/người/năm, gần gấp đôi giai đoạn 2003-2005.
Người Việt uống rượu bia tăng “phi mã”
Con số này được bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho biết tại hội thảo liên quan đến phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia ngày 2/4 tại Hà Nội.
Theo bà Hạnh, mức tăng sử dụng rượu bia tại Việt Nam chưa dừng ở đó mà còn có xu hướng tăng nhanh về mức độ. Dự báo đến năm 2025 số tiêu thụ sẽ là 7 lít/người/năm. Với mức tiêu thụ rượu bia này, Việt Nam đã được “thăng hạng" về tăng trưởng ngành rượu bia, trở thành nước đứng đầu ASEAN về tăng trưởng rượu bia.
Theo một nghiên cứu năm 2012, Việt Nam đã tiêu thụ 3 tỉ lít bia, tương đương với 3 tỉ USD và khoảng 68 triệu lít rượu. Điều tra về sức khoẻ vị thành niên và thanh niên (14-15 tuổi) cho thấy 69% nam và 28% nữ từng uống bia, rượu.
Các chuyên gia cho biết, lạm dụng rượu bia đang nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của nhiều loại bệnh khác. Cùng với thuốc lá, rượu bia là tác nhân của 8 loại bệnh như ung thư, cao huyết áp, tim mạch, đột quỵ. Đặc biệt rượu bia là tác nhân trực tiếp gây bệnh duy nhất với tình trạng loạn thần do rượu và hội chứng rối loạn phát triển bào thai do rượu. Cả hai loại bệnh này đều có tỷ lệ mắc gia tăng nhanh chóng.
“Uống quá nhiều rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người uống mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội, là nguyên nhân của tình trạng tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Một nghiên cứu của Savy II năm 2010 cho thấy có khoảng 20,8% nam vị thành niên đã lái xe sau uống rượu bia và bị các chấn thương phải nghỉ học trong một tuần trở lên. Gần đây nhất vụ việc một thanh tra kho bạc ở Hải Dương đánh chết vợ cũng là do anh này có sẵn men rượu trong người”, bà Hạnh nói.
Vậy có “ngưỡng” an toàn nào với sử dụng rượu bia? Bà Hạnh cho biết có 4 cấp độ nguy cơ trong sử dụng rượu bia, trong đó cấp độ an toàn lý tưởng nhất vẫn là không nên uống rượu bia. Ngoài ra. theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nam giới không nên dùng quá 2 đơn vị rượu bia và nữ không quá 1 đơn vị mỗi ngày. 1 đơn vị rượu tương đương với 10g cồn và tương với 2/3 chai bia 330ml, với 1 cốc bia hơi, 1 cốc 100ml vang hoặc 1 chén (hạt mít) 30ml rượu mạnh 40 độ.
Nhiều lỗ hổng trong quảng cáo bia rượu
ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, theo luật, rượu có nồng độ cồn 15 độ trở lên sẽ không được quảng cáo; cấm tất cả các hành vi dùng bia rượu khuyến mại cho người dưới 18 tuổi; cấm sử dụng rượu có nồng độ cồn từ 30 độ trở lên để khuyến mại dưới nhiều hình thức; cấm tài trợ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật... có gắng với quảng cáo các sản phẩm rượu nhưng quy định này đã tạo nhiều khoảng trống pháp luật về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia.
Bởi rượu bia dưới 15 độ được quảng cáo như một hàng hóa, dịch vụ bình thường nên không có bất cứ sự hạn chế nào về đối tượng tiếp cận. Trong khi đó, việc quảng cáo, tài trợ, khuyến mại rượu bia là nguyên nhân thúc đẩy, gia tăng tình trạng sử dụng rượu bia do tác động đến đối tượng tiếp nhận, đặc biệt là người trẻ tuổi.
“Những người trẻ bắt đầu uống rượu trước 15 tuổi thì về sau có thể phát sinh các vấn đề về rượu bia cao gấp 5 lần người đợi đến 21 tuổi mới uống. Theo đó cũng tăng khả năng nghiện gấp 4 lần, khả năng tham gia bạo lực thể chất cao gấp 6 lần sau khi uống. Có khả năng tai nạn xe cộ cao gấp hơn 6 lần do ống rượu bia”, bà Trang nói.
Vì thế, dự thảo mới nhất của Luật phòng chống tác hại rượu bia đưa ra nhằm ngăn sự tác động của bia rượu đến đối tượng sử dụng. Theo đó, việc quảng cáo bia rượu chỉ được quảng cáo trong phạm vi địa giới của doanh nghiệp sản xuất, cửa hàng, đại lý tiêu thụ đối với rượu, bia từ 13 độ đến dưới 15 độ. Chỉ được phát thông tin về quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ trên các kênh thông tin đại chúng sau 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Theo dự thảo này Chính phủ sẽ quy định danh mục một số địa điểm không được bán và sử dụng tại chỗ rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau thay cho quy định tại các dự thảo trước đó sẽ cấm bán rượu bia sau 22 giờ.
Nguồn: Hồng Hải (Theo dantri)
Bình luận từ Facebook
Phản hồi