Thuốc Nam làm bệnh thận nặng hơn: Đúng hay sai?

Thuốc Nam làm bệnh thận nặng hơn: Đúng hay sai?

Thông tin thuốc Nam làm bệnh thận nặng hơn khiến nhiều bệnh nhân hoang mang, lo lắng. Bởi từ lâu, nhiều người cho rằng sử dụng thuốc Đông y là vô hại vì thuốc chế biến từ cây cỏ, hoa trái hoặc động vật có trong tự nhiên. Thực hư ra sao?

Hiện trên thế giới có khoảng 500 triệu người có vấn đề về bệnh lý mãn tính ở thận. Ở Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức song ước tính có khoảng 5 triệu người bị suy thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới. Đáng ngại là số người mắc phải căn bệnh này có xu hướng tăng lên.

 

Suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận, bao gồm chức năng bài tiết lượng nước dư thừa trong cơ thể và bài tiết chất độc trong cơ thể do quá trình trao đổi chất gây ra, và (kéo theo) sự suy giảm chức năng sản xuất một vài hooc - môn do thận sản xuất.

 

Người bệnh bị suy thận thường có triệu chứng đau đầu do cao huyết áp, phù mặt hoặc tay chân hoặc bụng hoặc tất cả do ứ nước trong cơ thể, mệt mỏi, đắng miệng, chán ăn, buồn nôn, mờ mắt, đau đầu, giảm tập trung và giảm ham muốn tình dục, chóng mặt, da xanh, móng tay chân và niêm mạc mắt nhợt nhạt do thiếu máu, ngoài ra còn có thể thấy môi thâm, răng xỉn, đau xương và răng, và chảy máu chân răng.

 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới suy thận như: viêm cầu thận, thận đa nang, thận đái đường, viêm thận kẽ, tăng huyết áp… Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngoài những nguyên nhân kể trên, còn xuất hiện thêm thông tin thuốc nam làm bệnh thận nặng hơn. Điều này khiến nhiều bệnh nhân hoang mang, lo lắng. Bởi từ lâu, nhiều người cho rằng sử dụng thuốc Đông y là vô hại vì thuốc chế biến từ cây cỏ, hoa trái hoặc động vật có trong tự nhiên.

 

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, BS Hoàng Sầm (Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam, trụ sở tại Thái Nguyên) cho hay, hiện chưa có công trình khoa học nào về việc thuốc Nam hay thảo dược là nguyên nhân gây suy thận hoặc làm cho bệnh thận nặng thêm.

 

Việc khẳng định thuốc Nam chứa nhiều Kali, nguyên nhân dẫn tới suy thận, do thận phải bài tiết quá nhiều là chưa đúng.

 

BS Hoàng Sầm nói: “Tăng Kali máu có thể do ăn uống thực phẩm giàu kali quá mức; dịch truyền, thuốc tiêm có chứa nhiều muối Kali; sự phân huỷ mô trong giai đoạn xạ trị; tan máu; tắc nghẽn đường dẫn liệu; hội chứng tiêu cơ vân; bỏng sâu và rộng; thiếu Mineralocoticoide; hoặc do một số thuốc như spirolactone, triamterene, thuốc ức chế Angiotensine …”.

 

“Việc người dân tự ý điều trị hoặc chữa bệnh theo kiểu mách nhau, truyền miệng kinh nghiệm hay lên mạng đọc rồi chữa bệnh bằng thuốc nam, thuốc bắc là không nên. Vì ngoài việc tổ chức bài thuốc theo quân, thần, tá, sứ, người thầy thuốc còn phải xem xét sự tính năng của dược vật mà phối hợp theo bảy cách thức sau: đơn hành, tương tu, tương sử, tương úy, tương ố, tương sát, tương phản để thuốc có hiệu quả mà không gây tác dụng không mong muốn”, BS Hoàng Sầm cho biết thêm.

Vì thế, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bệnh nhân cần tìm hiểu những thông tin về thuốc cũng như tình trạng bệnh để tránh làm bệnh nặng lên và có những biến chứng nguy hiểm khi sử dụng thuốc không đúng.

 

“Ngoài ra, việc tuân thủ nghiêm ngặt khẩu phần ăn với những chất dinh dưỡng phù hợp dưới sự chỉ dẫn của bác sỹ là điều hết sức cần thiết”, BS Hoàng Sầm tư vấn.

 

Nguồn: Hải Hồng (Theo dantri)

 

 

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Nhận tin sản phẩm mới
  • Email:
facebook

Lượt truy cập
  • Hôm nay 2079
  • Tổng lượt truy cập 5,982,571