Nhận biết loãng xương
Khi có dấu hiệu lâm sàng, cơ thể đã bị mất 30% khối lượng xương. Bệnh nhân (BN) thường đau mỏi mơ hồ vùng cột sống, đau dọc các xương dài, mỏi cơ bắp, hay bị chuột rút, đau theo khoang liên sườn, đau khi ngồi lâu hoặc thay đổi tư thế, đầy bụng chậm tiêu, nặng ngực khó thở, hạn chế vận động.
Để giúp chẩn đoán loãng xương cần làm một số xét nghiệm cần thiết. Có một xét nghiệm được sử dụng phổ biến là phương pháp đo mật độ khoáng xương với máy hấp phụ năng lượng kép bằng tia X (dual-energy x-ray absorptionmetry DEXA). Loãng xương khi mật độ xương BMD (bone mineral density) dưới -2,5 SD so với đường chuẩn của người trẻ bình thường.
Phòng ngừa và điều trị
Theo BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp (Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM), phần lớn các trường hợp loãng xương có thể phòng ngừa được bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ: thực hiện chế độ ăn đủ canxi, đủ vitamine D đồng thời tăng cường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời; tránh ăn quá nhiều protein và muối; bổ sung canxi nếu cần; tập thể dục với các bài chịu sức nặng; không hút thuốc; uống rượu ít, duy trì cân nặng hợp lý và cân nhắc dùng estrogen thay thế sau mãn kinh.
Việc điều trị loãng xương tập trung vào giảm sự mất xương và phục hồi tình trạng mất xương, tránh té ngã và và điều trị bằng thuốc. Trong đó kết hợp dinh dưỡng - luyện tập - thuốc là một phối hợp hiệu quả nhất đối với bệnh loãng xương, BS Diệp nhấn mạnh.
Phối hợp hiệu quả chống loãng xương
1. Chế độ ăn
Khối lượng xương có liên quan chặt chẽ đến lượng canxi ăn vào trong suốt cuộc đời, đặc biệt là trong 30 năm đầu khi khối lượng xương tối đa đang phát triển, do đó chúng ta cần lựa chọn các thực phẩm giàu canxi, vitamin D bao gồm: sữa và các chế phẩm từ sữa; hải sản: tôm, cua, cá (tốt nhất là cá kho nhừ ăn cả xương), tép, cua đồng, ốc; đậu (các loại rau họ đậu đều có trên 60mg canxi trong 100g, trong đậu nành lượng canxi cao hơn - 165mg); rau lá xanh: đay, mồng tơi, ngót; mộc nhĩ, bông cải xanh, bắp cải...
Lượng protein khuyến cáo cho người trẻ là 0,8g/kg trọng lượng/ngày và người lớn tuổi là 1g/kg trọng lượng/ngày. Các thực phẩm như đậu nành và các loại đậu khác có chứa phytoestrogens có khả năng ngăn ngừa loãng xương ở người mãn kinh.
Đặc biệt, sữa và các chế phẩm của sữa (sữa chua, pho-mát) là thức ăn giàu canxi, giúp hỗ trợ phòng ngừa loãng xương tốt, do đó nên dùng từ nhỏ. Hơn nữa canxi từ sữa dễ hấp thu, đồng hóa tốt. Cứ 250 ml sữa hay 200g sữa chua cho từ 300 mg canxi (trong khi đó 100g bánh mì, hoa quả, rau hay thịt chỉ cho từ 10-50 mg canxi). Mỗi ngày nên uống từ 1-2 ly sữa. Đối với người lớn tuổi nên dùng sữa có lượng chất béo thấp, canxi cao.
2. Vận động - thể dục
Luyện tập là một trong những phần quan trọng của việc phòng ngừa và điều trị loãng xương. Tập thể dục giúp tạo thêm cơ, từ đó gánh vác bớt lực tải cho khung xương, đồng thời duy trì và tăng sức mạnh của xương, cải thiện khả năng giữ thăng bằng, như thế sẽ giảm nguy cơ té ngã vốn là “kẻ thù” của bệnh loãng xương.
Nguyên tắc luyện tập thể dục:
Chọn lựa cường độ và mức độ tập sao cho phù hợp với từng thể trạng, tránh tối đa các chấn thương trong khi tập luyện.
Các bài tập được khuyên gồm 2 nhóm: các bài tập có trọng lực và nhóm bài tập đối kháng. Bài tập có trọng lực là các động tác phải đặt sức nặng cơ thể lên mặt đất như đi bộ, chạy, leo thang, nhảy múa… Bài tập đối kháng gồm các bài tập với tạ hoặc trên máy và riêng cho từng nhóm cơ.
Tập luyện mỗi lần ít nhất 20-30 phút và 3-4 lần / tuần.
3. Sử dụng thuốc
Điều trị khi chưa có biến chứng sẽ hiệu quả và ít tốn kém hơn rất nhiều. Mục tiêu cơ bản là không để bệnh nhân loãng xương bị gãy xương; nếu đã bị gãy xương do loãng xương thì không để bị tái gãy xương.
Trong điều trị loãng xương, các thuốc thường được dùng bao gồm:
Thuốc chống hủy xương: Oestrogen (biệt dược Premarin); Androgen dùng để phòng ngừa và điều trị loãng xương cho nam giới sau tắt dục (andropause); Etidronate (Difosfen); Alendronate (Fosamax); Risedronate (Actonel); Calcitonin
Thuốc tăng tạo xương: Tetriparatite(Fosteo) chỉ định trong trường hợp loãng xương nặng, đặc biệt có gãy xương.
Calcium và vitamin D: để cung cấp "nguyên liệu" cho việc tạo xương mới, kích thích hoạt động của tạo cốt bào (osteoblast). Vitamin D hoặc chất chuyển hóa của vitamin D (Calcitriol – Rocaltrol) giúp cho việc sử dụng calcium hiệu quả hơn. Calcium được dùng khi chế độ ăn không đáp ứng đủ hoặc khi cơ thể không hấp thu đầy đủ.
Thuốc tăng đồng hóa (Durabolin, Deca-durabolin) có tác dụng tăng cường hoạt tính của tạo cốt bào, tăng cường chuyển hóa protein.
Bình luận từ Facebook
Phản hồi