5 sai lầm thường gặp khi dùng thuốc điều trị tiểu đường!

5 sai lầm thường gặp khi dùng thuốc điều trị tiểu đường!

Cách đây vài thập niên, tâm lý người bệnh cho rằng, mắc tiểu đường đồng nghĩa đã ký vào "bản án tử". Song cùng với tốc độ phát triển của y học và thông tin, người bệnh có thêm nhiều kiến thức kiểm soát đường huyết hiệu quả, tránh được biến chứng, né được cửa tử. Dù vậy, vẫn có nhiều trường hợp không tránh khỏi sai lầm khi sử dụng thuốc điều trị tiểu đường như dưới đây:

Sai lầm 1: Dùng thuốc ngay khi phát hiện bệnh, bỏ qua giai đoạn điều trị không dùng thuốc

Nguyên tắc trong điều trị tiểu đường không phải là uống thuốc ngay khi phát hiện ra đường huyết ở mức bất ổn. Điều này chỉ cần thiết khi đường huyết quá cao, ở mức có khả năng hôn mê, cần phải cấp tốc hạ xuống. Khi bị tiểu đường, nguyên tắc điều trị đầu tiên hướng đến chế độ ăn uống lành mạnh và luyện tập hợp lý, nếu vẫn không giảm được đường huyết thì mới dùng thuốc.

Sai lầm 2: Ỷ lại vào thuốc, lạm dụng thuốc

Nhiều bệnh nhân tiểu đường cho rằng, uống thuốc sẽ làm đường huyết giảm, cứ ăn uống bình thường, không cần kiểm soát chế độ ăn. Điều này rất nguy hiểm, giả sử bữa nào quên uống thuốc, hoặc nhớ nhầm đã uống, lúc đó đường huyết tăng vọt lên cao, có khả năng dẫn đến hôn mê.

Về lâu dài, lượng đường hấp thu từ thức ăn đưa vào trong máu cao thường xuyên, khiến lượng máu đến thận lớn, thận phải làm việc quá mức, tăng lọc và tăng áp lực làm cho các lỗ lọc dần to lên, nên không đảm bảo chức năng lọc của thận. Sự dày màng đáy mao mạch cầu thận gây xơ cầu thận, dẫn đến giảm mức lọc cầu thận và cuối cùng là suy thận.

Nếu ỷ lại vào thuốc mà đường huyết kiểm soát không tốt, dần dần gây rối loạn chuyển hóa lipid, làm ảnh hưởng đến chức năng gan, đưa bệnh nhân vào vòng luẩn quẩn tăng liều thuốc - tăng gánh nặng cho gan.

Sai lầm 3: Chỉ uống thuốc điều trị đường huyết mà bỏ qua các cơ quan tạng phủ khác

Tiểu đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa glucid, sẽ kéo theo rối loạn chuyển hóa lipid. Vì vậy bệnh nhân tiểu đường thường kèm theo mỡ máu tăng. Mỡ máu xấu cao tạo mảng bám trên thành mạch, gây xơ vữa mạch máu, dễ hình thành huyết khối, cao huyết áp, bệnh mạch vành tim. Đây chính là biến chứng mạch máu lớn gây tử vong cho khoảng 70% bệnh nhân tiểu đường. Vì vậy, song song với uống thuốc tiểu đường, người bệnh cần được điều trị các bệnh kèm theo.

Sai lầm 4: Ngưng thuốc đột ngột khi thấy đường huyết ở mức tốt

Sai lầm này làm cho đường huyết tăng vọt lên khó kiểm soát, có khả năng dẫn đến hôn mê. Bệnh nhân cần biết tiểu đường là bệnh mãn tính, phải kiểm soát đường huyết cả đời bằng thuốc hoặc phương pháp khác.

Khi đang dùng thuốc, bác sĩ sẽ cân nhắc giảm liều từ từ dựa trên mức đường huyết sau khi nhịn ăn 8 giờ, đường huyết sau ăn 2 giờ, mức HbA1c mỗi 3 tháng, chế độ ăn và hoạt động thể chất của người bệnh.

Sai lầm 5: Sử dụng dược liệu tùy tiện, không rõ nguồn gốc, chưa kiểm chứng

Dược liệu vốn là thuốc dùng trong Đông y. Tâm lý có bệnh vái tứ phương khiến nhiều người thường hay dùng những thảo dược, cây cỏ xung quanh theo phương pháp truyền miệng. Điều này dẫn đến những hậu quả nguy hiểm sau:

- Mỗi cây cỏ, dược liệu đều cần được xác định tính vị, vì khi dùng lâu dài tính hàn quá hay nhiệt quá cũng không tốt. Vì vậy trong y học cổ truyền, khi điều trị bệnh mãn tính, thường ít dùng độc vị mà thường phối hợp nhiều dược liệu thành bài thuốc theo nguyên lý quân - thần - tá - sứ và cân bằng. Chúng có tác dụng bổ trợ lẫn nhau, vừa tác động nhiều mặt đến bệnh, vừa quân bình âm dương để đảm bảo dùng được lâu dài.

- Những cây cỏ chưa được xác định đầy đủ công dụng và liều dùng mà sử dụng theo ước lượng, sẽ không đảm bảo mang lại hiệu quả điều trị tốt. Tác dụng không mong muốn kèm theo có thể ảnh hưởng đến các chức năng khác của cơ thể, gây một số độc tính, nếu sử dụng vô tội vạ.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bay
Chuyên gia y học cổ truyền

 

 

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Nhận tin sản phẩm mới
  • Email:
facebook

Lượt truy cập
  • Hôm nay 150
  • Tổng lượt truy cập 5,959,127