Đủ lứa tuổi mắc bệnh
Hội chứng chuyển hóa là những rối loạn về chuyển hóa bao gồm: rối loạn lipit máu, béo bụng, tăng huyết áp, tăng a xít uric máu, thừa cân, béo phì, rối loạn dung nạp đường huyết. Hội chứng chuyển hóa làm tăng nguy cơ mắc các bệnh: tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành...), đái tháo đường, gout.
Tỷ lệ người có hội chứng chuyển hóa đang tăng nhanh ở các lứa tuổi. Theo các nghiên cứu do nhóm chuyên gia thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Chiến lược và chính sách y tế tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Dương, Khánh Hòa, tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa ở người từ 55 - 64 tuổi là hơn 20%.
Đáng lo ngại, hội chứng chuyển hóa đã xuất hiện ở lứa tuổi học đường. Điều tra của các chuyên gia thuộc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM thực hiện với 442 học sinh tại một số trường tiểu học cho thấy, 27% học sinh khối 1 béo phì; tỷ lệ này là 15,8% ở học sinh khối 5. Các chỉ số tăng cholesterol toàn phần ở nhóm trẻ này chiếm 22,6%.
|
Nhóm nghiên cứu khuyến cáo, rối loạn chuyển hóa mỡ máu là phổ biến ở học sinh tiểu học béo phì (lứa tuổi 6 - 11, cả nam và nữ). Cần có các can thiệp điều trị, xác định các yếu tố nguy cơ về tim mạch và có hướng điều trị phù hợp.
Điều chỉnh ăn uống, tăng cường vận động
TS Đỗ Trung Quân, Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Tình trạng mỡ máu cao tiến triển là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch, đưa tới bệnh động mạch vành (khi bị béo phì, những phân tử mỡ sẽ bám dính vào thành động mạch, làm hẹp lại lòng động mạch, lâu dần dẫn tới tắc mạch). Nguy cơ này cũng cần được cảnh báo ở người trẻ có rối loạn mỡ máu.
Theo các chuyên gia sức khỏe, rối loạn mỡ máu không có triệu chứng cụ thể, nó tăng dần theo thời gian. Khi có triệu chứng (tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, xuất hiện u mỡ trên da) thì đã là giai đoạn muộn. Vì vậy, nên khám sức khỏe định kỳ để được phát hiện sớm. “Đáng lưu ý, người béo bụng (béo trung tâm), người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc đái tháo đường cao gấp 2 - 4 lần so với người có chỉ số cân nặng bình thường”, TS Quân cảnh báo.
Theo TS Quân, với trẻ béo phì, trẻ bị rối loạn mỡ máu có thể khắc phục bằng điều chỉnh chế độ ăn, vận động thể lực để giảm cân. “Điều trị thuốc rối loạn mỡ máu ở trẻ rất thận trọng và là biện pháp sau khi các can thiệp kể trên không hiệu quả”, TS Quân lưu ý.
Với người trưởng thành mắc hội chứng chuyển hóa, tùy thuộc mức độ, tình trạng sẽ có chỉ định điều trị. Việc duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường vận động, không hút thuốc lá sẽ cải thiện tích cực.
Theo TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, nghiên cứu trên 88 đối tượng thừa cân béo phì (BMI >23) tại Hà Nội cho thấy việc kết hợp phương pháp đi - chạy bộ ngắt quãng trung bình 4.000 bước/ngày, ít nhất 5 buổi/tuần kết hợp với chế độ ăn hợp lý (tăng thực phẩm giàu vitamin, chất xơ, giảm tinh bột và dầu mỡ) sau 12 tuần liên tiếp cân nặng giảm trung bình 3,4 kg; vòng eo trung bình giảm 3,3 cm; phần trăm mỡ cơ thể giảm trung bình 2,95% và mức độ mỡ nội tạng giảm trung bình 1,28.
Nguồn: Liên Châu (Theo thanhnien)
Bình luận từ Facebook
Phản hồi