Những điều cần biết về bệnh tiêu chảy ở trẻ em và chế độ dinh dưỡng

Những điều cần biết về bệnh tiêu chảy ở trẻ em và chế độ dinh dưỡng

Tiêu chảy là bệnh hay gặp ở trẻ em,  nhất là trẻ dưới 18 tháng tuổi. Tiêu chảy là những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật, tử vong ở trẻ hoặc để lại hậu quả dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng, phát triển của trẻ.

Nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy do nhiễm virut (Rotavirus), nhiễm vi khuẩn (E.Coli, Shigella, Campylobacter Jejuni, Samonella, phẩy khuẩn tả...), ký sinh trùng (Amip, L.Giardia)

do sai lầm trong chế độ ăn uống: ăn quá nhiều chất đạm, chất bột đường do sử dụng thuốc kháng sinh không đúng, kéo dài gây tổn thương niêm mạc ruột, gây loạn khuẩn; những trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ, trẻ không dung nạp lactoza hoặc dị ứng với protein từ sữa động vật. Ngoài ra, bệnh tiêu chảy còn gặp ở trẻ suy dinh dưỡng nặng, đang hoặc sau khi mắc sởi hoặc các bệnh do nhiễm virus khác.

Triệu chứng thường thấy khi trẻ mắc tiêu chảy cấp là: sốt nhẹ, nôn, sau đó tiêu chảy, phân thường nhiều nước, đi nhiều lần trong ngày gây mệt mỏi, sụt cân, biếng ăn. Có những bé đi tiêu 20 lần/ngày, nôn liên tục khiến cơ thể suy kiệt, trẻ quấy khóc, vật vã hoặc lờ đờ, khát nước, nước tiểu giảm khối lượng, khóc không có nước mắt, mắt trũng, miệng khô, thở nhanh, sâu hơn bình thường, mạch nhanh nhỏ, thóp lõm. Có thể trẻ bị sốt cao đột ngột 39 - 400C, gây co giật nếu không phát hiện và xử trí kịp thời.

Bệnh tiêu chảy cấp thường diễn ra dưới 5 ngày, nếu trên 2 tuần là tiêu chảy kéo dài.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy:

Chế độ dinh dưỡng thích hợp đóng vai trò quan trọng đối với trẻ bị tiêu chảy, đồng thời có tác dụng thúc đẩy sự phục hồi sớm niêm mạc ruột. Mặc dầu trong thời gian bị tiêu chảy, quá trình hấp thu thức ăn có giảm hơn bình thường, nhưng vẫn hấp thu qua ruột 60%, do vậy trong suốt quá trình tiêu chảy cần cho trẻ ăn đủ khẩu phần, không được bắt trẻ nhịn, ăn kiêng.

Chế độ dinh dưỡng đúng được biểu hiện bằng sự tăng cân ngay cả trong khi trẻ bị tiêu chảy.

Cung cấp đầy đủ năng lượng, protein, vitamin và các yếu tố vi lượng để tái tạo và phục hồi niêm mạc ruột bị tổn thương, cải thiện tình trạng dinh dưỡng toàn thân.

Dùng các loại thức ăn sẵn có như gạo, khoai, chế biến dưới dạng mềm, lỏng dễ tiêu hóa như bột, cháo, súp.


Chọn các loại thực phẩm giàu chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa…

Uống và ăn thêm quả tươi để cung cấp các vitamin và muối khoáng.

* Trẻ dưới 6 tháng tuổi:

- Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, cho bú bình thường và tăng số lần bú (Vì sữa mẹ vẫn được dung nạp rất tốt khi bị tiêu chảy). Trẻ bú mẹ thì tiêu chảy ít hơn, nhanh khỏi hơn. Mẹ không nên ăn kiêng.

- Nếu mẹ không có sữa: Dùng các loại sữa không có đường lactose, hoặc các loại sữa đã lên men như sữa chua hoặc sữa đậu nành. Sữa chua phải được làm từ loại sữa dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.

* Trẻ từ 6 -12 tháng tuổi: Ngoài sữa mẹ cần cho trẻ ăn bổ sung thức ăn loãng, ăn nhiều lần và từng ít một các thức ăn giàu chất dinh dưỡng như thịt nạc, cá, trứng, sữa… và cho thêm một ít dầu, mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần. (ít nhất 6 bữa).

* Trẻ từ 1 tuổi trở lên: Trong thời gian này bạn chỉ nên cho bé ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hoá như cháo (cháo thịt gà băm nhỏ có tác dụng tốt trong quá trình điều trị tiêu chảy), súp, các món ninh, hầm nhừ, cơm nát.

Chú ý: cần nấu kỹ thức ăn, cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh giảm nguy cơ bội nhiễm, nếu phải cho trẻ ăn những thức ăn đã nấu sẵn thì cần phải đun lại trước khi cho ăn. Khi chế biến thức ăn cho trẻ cần rửa tay sạch bằng xà phòng và đảm bảo vệ sinh. chén, đũa, ly, muỗng… sau khi rửa sạch bằng nước lã cần được nhúng vào nước đang đun sôi trước bữa ăn. Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả như: chuối, cam, xoài… để tăng thêm lượng Kali, Vitamin C.

Bù nước và điện giải:

ORS: Là dung dịch tốt nhất để điều trị mất nước. Cách pha dung dịch ORS: đong 1 lít nước sạch đun sôi để nguội đổ vào bình chứa, khuấy kỹ đến khi bột hòa tan hoàn toàn, đậy bình lại cho trẻ uống trong vòng 24 giờ. Không sử dụng quá 24 giờ phải đổ dung dịch còn dư trong bình và pha lại dung dịch mới để sử dụng

Cách nấu cháo muối: Dùng 1 nắm gạo, 1 nhúm muối và 6 chén nước sạch, đun nhừ, cho trẻ uống dần.

Không cho trẻ ăn các loại thức ăn, nước uống làm tăng thêm tiêu chảy như thức ăn chứa nhiều đường, chứa nhiều chất xơ, các loại nước giải khát công nghiệp.

Khi trẻ không chịu ăn uống lại kèm thêm sốt cao thì bạn cần nhanh chóng đưa trẻ tới gặp bác sĩ ngay.

Phòng bệnh tiêu chảy:

- Phải cho trẻ sơ sinh bú trong 1 giờ đầu sau khi sanh để tận dụng sữa non phòng chống tiêu chảy

- Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

- Cho trẻ ăn bổ sung đúng và hợp lý, đảm bảo vệ sinh khi chế biến, bảo quản, dùng nguồn nước sạch, thực phẩm sạch và tươi không bị nhiễm khuẩn hoặc hóa chất bảo vệ thực vật.

- Rửa tay bằng xà phòng: Sau khi đi ngoài, thay tã lót cho trẻ, trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, chăm sóc trẻ.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, xử lý an toàn phân trẻ nhỏ bị tiêu chảy.

- Tiêm phòng sởi: Tiêm vacxin sởi có thể phòng ngừa được 25% tử vong liên quan tới tiêu chảy trẻ dưới 5 tuổi.

Nguồn:Yến phương - T4G

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Nhận tin sản phẩm mới
  • Email:
facebook

Lượt truy cập
  • Hôm nay 1168
  • Tổng lượt truy cập 2,735,665