"Đụng chạm tích cực" là một liều thuốc cực kỳ hữu hiệu cho con người, cả trẻ nhỏ lẫn người lớn. Con người cần 8 cái ôm hoặc hôn, vuốt ve mỗi ngày để "tồn tại một cách thỏa mãn" và cần 12 cái ôm hôn để "tăng trưởng tích cực". Đặc biệt, trẻ con rất cần được ôm, hôn, vuốt ve bên cạnh dinh dưỡng và chơi, học hàng ngày để có thể phát triển một cách tích cực và vui vẻ.
Trẻ cần được "đụng chạm tích cực" từ ôm, hôn, vuốt ve ngay khi chào đời. Ảnh: Lê Phương. |
Một nghiên cứu cho thấy trẻ mồ côi được nuôi trong các trại ở Đông Âu bị chậm tăng trưởng cũng như phát triển trí tuệ đáng kể. Các trẻ này cũng gặp nhiều đợt nhiễm trùng nặng, có các rối loạn phát triển về liên kết và tương tác với con người. Nguyên nhân chính không phải vì những trẻ này không có mẹ mà do không được cung cấp các kích thích “cảm giác cơ học” ở các trại này. Nghiên cứu ở trẻ nhũ nhi trong trại mồ côi, cho bé được vuốt ve thêm 20 phút một ngày. Kết quả, trong 10 tuần, nhóm trẻ được vuốt ve có chỉ số phát triển cao hơn nhóm bị cô lập.
Trẻ sinh non nằm hồi sức, phải nằm cách ly trong lồng ấp, bị mất đi các kích thích "cảm giác cơ học". Một nghiên cứu được thực hiện ở nhóm trẻ sinh non vừa được ra khỏi hồi sức sơ sinh, chuyển qua khoa sơ sinh khi bệnh ổn và chia làm hai nhóm giống nhau về tuổi, cân nặng, thời gian nằm hồi sức. Một nhóm trẻ được vuốt ve thân người 15 phút, 3 lần một ngày, trong 10 ngày. Nhóm kia không được nhận vuốt ve thêm như vậy. Sau 10 ngày đánh giá, nhóm được vuốt ve tăng trưởng và phát triển vận động hơn hẳn nhóm không được vuốt ve. Trẻ ở cả hai nhóm đều được cho ăn như nhau nhưng nhóm được vuốt ve tăng cân nhanh hơn và nhiều hơn. Theo dõi thêm hai nhóm này khi các bé được 8 và 12 tháng tuổi, nhóm được vuốt ve vẫn có chỉ số tăng trưởng và phát triển cao hơn hẳn.
Từ các nghiên cứu này, khái niệm chăm sóc trẻ "da kề da" - Kangaroo Care được sử dụng khá rộng rãi ở các bệnh viện, bao gồm cả Việt Nam. Trẻ sinh non cũng như sinh thường được thả rông, chỉ mặc tã và được ôm sát vào ngực mẹ hoặc người chăm sóc để có thể hưởng được những “đặc lợi” mà không có một thuốc nào thay thế được. Nghiên cứu trên chuột con và giun đũa, hiệu quả của "đụng chạm" lên phát triển, tăng trưởng và hành vi cũng rất rõ ràng. Với những con chuột từng bị cách ly, khi nhận được sự vuốt ve càng nhiều, càng lâu thì sự cải thiện càng tốt.
"Đụng chạm tích cực" từ ôm, hôn, vuốt ve mang lại những hiệu quả thiết thực cho trẻ:
- Giúp cho trẻ tăng trưởng và phát triển tri thức, hành vi tốt hơn.
- Hiệu quả lâu dài, ảnh hưởng suốt cuộc đời của trẻ.
- Nếu chưa làm hoặc làm chưa đủ thì bây giờ bắt đầu cũng chưa muộn. Điều này có thể cải thiện lại những khiếm khuyết đã xảy ra.
- Ngay cả ở người lớn, sự đụng chạm tích cực không bao giờ là dư thừa.
- Cần thông cảm cho những người lạnh lùng, ít có những hành vi biểu cảm tình cảm và hay xa lánh những cử chỉ thân mật, vì có thể họ sống trong một môi trường thiếu những kích thích này từ nhỏ. Nên tập lại cho họ để cải thiện hành vi tình cảm. Đặc biệt nếu đó là "nửa kia” quan trọng của bạn và con của bạn.
Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo (Theo vnexpress)
Bình luận từ Facebook
Phản hồi