Dinh dưỡng cho người bị đái tháo đường

Dinh dưỡng cho người bị đái tháo đường

Bệnh nhân đái tháo đường hay bệnh tiểu đường sẽ có chế độ ăn kiêng khem hơn người bình thường, vì thế một câu hỏi đặt ra là làm sao để ăn uống khoa học mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh?

Mục tiêu chung chế độ ăn

1. Đưa mức đường huyết về càng gần bình thường càng tốt.

2. Bảo vệ tim mạch, kiểm soát huyết áp, chống lại các loại chất béo có hại cho tim mạch.

3. Giữ cân nặng ở mức hợp lý.

4. Ngăn chận hay làm chậm xuất hiện các biến chứng của đái tháo đường.

5. Bảo vệ sức khỏe, giúp người bệnh cảm thấy luôn luôn khỏe mạnh, lạc quan và tuân thủ tốt chế độ ăn.

Nguyên tắc ăn uống cho người bị đái tháo đường

Để kiểm soát được lượng đường trong máu và cơ thể vẫn nhận được dinh dưỡng cần thiết, Theo PGS TS Nguyễn Thị Lâm - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng - bệnh nhân đái tháo đường cần có chế độ ăn theo nguyên tắc sau:

Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, 5 đến 6 bữa/ngày. Ngoài 3 bữa chính nên có 2-3 bữa phụ, mỗi bữa phụ chiếm khoảng 10% năng lượng khẩu phần ăn trong ngày.

Không để đói quá hoặc no quá, kiểm soát cân nặng để không bị thừa cân béo phì. Nếu bệnh nhân đái tháo đường bị cao huyết áp thì nên ăn nhạt, không ăn các thực phẩm phủ tạng động vật, lươn, tôm, gạch cua vì những thực phẩm có nhiều cholestorol dễ gây vỡ xơ động mạch.

Nên sử dụng đường isomalt (là loại đường chức năng, tạo vị ngọt nhưng lại không làm tăng glucose máu sau ăn) trong các món ăn gia đình như nước chè, sữa đậu nành, chè đậu đỗ, các món trộn như salat... hoặc các sản phẩm chế biến sẵn có đường isomant đã được Viện dinh dưỡng nghiên cứu: bánh bông lan, bột dinh dưỡng, bánh quy, sữa vào các bữa ăn phụ. Có thể mua đường isomant và các sản phẩm chế biến trên tại các siêu thị.

Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường vẫn có thể ăn các loại trái cây: cam, bưởi, chuối, thanh long, táo, lê, dưa hấu.... Mỗi bữa khoảng 80 đến 100g nhưng bữa cơm đó phải bớt đi khoảng 3 thìa cơm to.

Có thể kiểm soát bệnh đái tháo đường bằng chế độ ăn uống hợp lý?

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, mắc đái tháo đường thể nhẹ có thể kiểm soát bằng chế độ ăn hợp lý để ngăn ngừa diễn biến nặng của bệnh cũng như các biến chứng của bệnh đái tháo đường.



Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy - Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM  cho biết thực đơn của người mắc tiểu đường vẫn rất đa dạng và bắt mắt, chứ không chỉ gói gọn trong vài món mà người bệnh nghĩ là an toàn. Song điều cần thiết là phải biết chọn thực phẩm đúng cách.

"Thực đơn nên có nhiều loại đa dạng, thay đổi món thường xuyên. Số lượng thực phẩm vừa đủ với nhu cầu cơ thể, sao cho giữ cân nặng hợp lý, giảm cân dần dần ở những người bị béo phì", bác sĩ Thủy nói.

Bữa ăn nên có nhiều thành phần thực phẩm như bột đường, đạm (thịt, cá, trứng, đậu hũ), chất béo và chất xơ (rau củ quả, đậu, ngô) giúp đường được hấp thu vào máu từ từ và kéo dài, có lợi cho người bệnh.

Nên ổn định lượng bột đường ở mỗi bữa ăn (lượng cơm, bún, khoai, trái cây) để duy trì tốt đường huyết. Trong bữa ăn nên ăn nhiều chất xơ (rau củ quả) để làm chậm hấp thu đường huyết, “quét bớt” cholesterol thừa khỏi ống tiêu hóa, chống táo bón và giảm nguy cơ ung thư ruột già, giúp kiểm soát cân nặng.

Tránh chế biến những món ăn hầm nhừ, xay nhuyễn, lăn bột chiên, hoặc phải dùng nhiệt độ quá cao như chiên, nướng. Chế độ ăn cần phù hợp với các loại thuốc đang sử dụng.

Theo Hội Đái tháo đường Mỹ: lượng mỡ (chất béo) trung bình khuyến nghị cho bệnh nhân không tăng lipid huyết là mỡ chiếm 30% hoặc ít hơn trong tổng năng lượng, với dưới 10% là mỡ bão hòa. Với những người tăng cholesterol, mỡ bão hòa phải hạ xuống dưới 7% của tổng số calo, và tổng cholesterol thu vào phải dưới 200 mg/ngày; nên sử dụng mỡ không bão hòa (dầu thực vật, dầu cá) thay cho mỡ động vật.

Phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường cần lưu ý những gì?

Một câu hỏi đặt ra là với những phụ nữ đang mang thai bị đái tháo đường, chế độ ăn uống như thế nào là phù hợp?

PGS TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, phụ nữ mang thai vẫn nên giữ chế độ ăn như các phụ nữ đang mang thai khác nhưng chú ý thêm các điểm như sau:

- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày (5-6 bữa/ngày).

- Sử dụng các loại sữa chuyên biệt cho bệnh nhân đái tháo đường thay cho những sữa bà bầu khác.

- Ăn nhiều rau xanh.

- Sử dụng gạo sát rối, bánh mỳ đen, giảm ăn thịt, tăng ăn cá, sử dụng dầu thực vật thay cho mỡ động vật, bơ; nên dùng vừng lạc.

- Nên uống viên đa vi chất dinh dưỡng chuyên dùng cho bà bầu đầy đủ.

Với chế độ ăn như trên, vẫn đảm bảo cả mẹ và thai nhi khỏe mạnh.



Danh sách những thực phẩm nên và không nên ăn

Nhóm bột đường: Nên chọn các loại thực phẩm còn nguyên vẹn (ít chà xát kỹ hoặc xay nhuyễn như gạo lức), các loại bột đường hấp thu chậm như cơm, bún, mì, miến, bánh ướt, khoai củ, ngô… trong bữa ăn hàng ngày. Các loại đường hấp thu nhanh như đường cát, bánh, kẹo, trái cây… nên hạn chế sử dụng thường xuyên, trừ trường hợp bị hạ đường huyết.

Nhóm đạm: Nên chọn thịt nạc bỏ da, nên ăn cá và hải sản, đạm thực vật như đậu hũ, đậu que, nấm… Người bị suy thận thì phải ăn ít chất đạm theo yêu cầu của bác sĩ.

Nhóm béo: Nên chọn dầu thực vật như dầu mè, nành, gấc… (trừ dầu dừa, dầu cọ), mỗi tuần nên ăn ít nhất 2 lần mỡ cá. Tránh dùng mỡ động vật (mỡ gà, lợn, bò, cừu), bơ, magarin, da, óc lợn, đồ lòng, phủ tạng (tim, gan, cật)… Người trưởng thành mỗi tuần có thể ăn tối đa 3-4 lòng đỏ trứng, người có rối loạn mỡ máu chỉ nên ăn 2 trứng một tuần. Nên ăn nhiều các loại rau cải, rau đậu để tăng lượng xơ và cung cấp đủ vitamin, khoáng chất. Nên ăn khoảng một chén rau trong mỗi bữa ăn.

Nhóm sữa: Nên chọn loại sữa không đường. Nếu dư cân béo phì nên chọn loại sữa tách béo một phần hoặc không béo.

Nhóm trái cây: Nên chọn những loại trái cây ít ngọt như cam, quýt, bưởi, thanh long, mận, táo…

Không có một chế độ ăn nào áp dụng chung cho tất cả mọi người. Liệu pháp tiết chế dinh dưỡng cho người đái tháo đường cần được làm riêng cho từng người, có quan tâm tới thói quen ăn uống và các yếu tố liên quan tới lối sống. Thông qua tư vấn với các chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ chuyên khoa đái tháo đường, bệnh nhân có thể tự xây dựng khẩu phần thức ăn riêng cho mình tùy theo giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp và sở thích. Trên tinh thần nắm được quy tắc chung và tự theo dõi mức đường huyết, các bệnh nhân mắc đái tháo đường sẽ luôn luôn cảm thấy vui khỏe và không quá lo lắng, khó khăn trong việc tuân thủ chế độ ăn phù hợp cho mình, phục vụ mục đích điều trị và đạt được kết quả mong muốn.

Các cách làm giảm chất béo và cholesterol trong khẩu phần

Ăn thịt nên bỏ mỡ, bỏ da. Không ăn lòng, phủ tạng; lòng đỏ trứng: ăn 2 cái một tuần; uống sữa tách béo; hạn chế chiên xào. Chế biến thức ăn dưới dạng hấp, luộc, kho, nướng. Dùng ít bơ, magarine, dầu; tránh ăn thức ăn mua tại nhà hàng; tăng khẩu phần về trái cây, rau. Hạn chế rượu, chỉ được uống một lon bia mỗi ngày, hay 30 ml rượu vang.

Tập thể dục ít nhất 30 phút một ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần. Nên đi bộ 30-60 phút một ngày.

Người bệnh đái tháo đường nên ăn nhạt, nêm mắm muối vừa phải. Tổng lượng muối mỗi ngày nên ăn dưới 6 gam (khoảng một muỗng cà phê muối trở xuống). Hạn chế ăn các món mặn như mắm, chao, xúc xích, lạp xưởng, giò lụa, đồ hộp, dưa cà, dưa muối, bột ngọt…

 

(Nguồn: Theo Dinhduong.com.vn)

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Nhận tin sản phẩm mới
  • Email:
facebook

Lượt truy cập
  • Hôm nay 20
  • Tổng lượt truy cập 5,983,254