Nuôi con kiểu "Nhồi vịt"

Nuôi con kiểu "Nhồi vịt"

Với muôn vàn lý do, nhiều bậc cha mẹ đang biến một thế hệ con em mình trở thành những “gà công nghiệp” thực thụ.

Không phải làm việc nhà, không giao tiếp bên ngoài vì sợ dịch bệnh, muốn con tăng cân nhiều để đến khi ốm cho đỡ xót… là những việc làm tưởng chừng như tốt cho con, nhưng đã gián tiếp đưa một thế hệ trẻ em trở thành người thừa về chất nhưng thiếu về lượng.

Chạy đua cân nặng

Nhiều bà mẹ muốn con mình phải vượt chuẩn về cân nặng ngay từ trong bụng, khiến họ mắc các bệnh tiền sản giật, tăng cân vượt chuẩn, tiểu đường thai nghén, dẫn đến con không những không tăng cân mà còn nguy hiểm đến tính mạng cho cả mẹ và con.

Khi con vừa mới lọt lòng, tháng đầu tiên người mẹ đã quan tâm đến con tăng được bao nhiêu cân một tháng, con mình tăng không bằng con bạn…

Rồi cái cảnh đưa con đi tiêm phòng thì hàng chục bà mẹ nhìn ngó con của nhau, khi kiểm tra sức khỏe cho con, bước lên bàn cân trong tâm trạng hồi hộp.

Bà mẹ trẻ Nguyễn Hồng Nhung trở thành tâm điểm của buổi tiêm bởi con chị 3 tháng đã 10 cân. Ai cũng hỏi chị làm thế nào mà con tăng cân nhanh thế, con lớn thế… Khi được hỏi chị nuôi con bằng sữa gì? Và khi nhận được câu trả lời của Nhung là nuôi con bằng sữa mẹ thì nhiều bà mẹ đã xúm lại hỏi chị bí quyết sữa tốt, con ăn tốt… Có người còn xin số điện thoại để nhờ chị tư vấn. Nhưng Nhung lại đang lo rằng con mình bị béo phì…

Thế hệ “gà công nghiệp”

Thế hệ “gà công nghiệp”

Nhiều bà mẹ lấy chuẩn cân nặng và chiều cao của con trong 3 tháng đầu đời, người thì lấy chuẩn từ các cuốn cẩm nang của công ty sữa, người thì lấy từ các bài báo, người dẫn chuẩn của Tổ chức WHO, thậm chí có người lấy chuẩn của… bà hàng xóm như mẹ chồng của chị Phan Bích Châu (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Chị cho biết, chị đã từng ở trạng thái căng thẳng tột cùng khi nuôi con với sự so sánh của bà nội. Bé Hoa nhà chị 3 tuổi 17kg cao 95cm nhưng lúc nào bà nội cũng nói rằng chị không biết cách chăm con. Bà cứ lôi con nhà hàng xóm để so sánh, tại sao cháu của bà lại lên cân ít như thế trong khi nhà hàng xóm thì mỗi tháng lên 1 cân. Hay mỗi lần con chị ốm sụt vài lạng là bà lại ra sức nhồi cho cháu tăng cân trở lại, nếu chậm tăng cân là bà lo lắng đứng ngồi không yên, quay ra trì chiết con dâu đủ điều. Mỗi lần như thế bữa trưa bà cho con chị ăn một bát ôtô cháo, rồi chỉ nửa tiếng sau bà lại bắt bé Hoa uống thêm 180ml sữa rồi cho cháu đi ngủ. Ngủ vừa dậy bà đã lại cho con ăn 2 hộp váng sữa…

Còn bé Hoa thì ở trong trạng thái cứ nhìn thấy bà nội cầm bát cháo là ngồi úp mặt vào tường hoặc chạy trốn. Có những lần bé ăn vào nôn ra nhưng sau đó 10 phút bà lại lấy bát cháo khác cho ăn. Nhiều khi chị chỉ muốn ôm con ra ngoài ở để không phải chứng kiến cảnh nhồi nhét của bà.

Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Khoa Khám Tư vấn dinh dưỡng số 2 Viện Dinh dưỡng cho biết: Hiện nay nhiều bà mẹ cứ nhìn con cái của bạn bè, hàng xóm để so sánh với con mình và nhiều người cứ nghe cách nuôi con của người này, người kia truyền miệng nhau mà áp dụng vào con mình là một cách nuôi con phản khoa học. Mỗi em bé có một thể trạng khác nhau, cho nên các bà mẹ đừng vì thế mà mang con mình so với con người. Đa phần, những trường hợp đó sẽ phản tác dụng.

Có những trẻ sẽ tăng cân, nhưng sức khỏe không được đảm bảo, hoặc sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Việc ép con ăn, uống sữa là một cách chăm con có hại, tâm lý của trẻ sẽ bị tổn thương. Bé sợ ăn sẽ kém tự tin, không còn vui vẻ, hồn nhiên. Sau này bé sẽ bị ám ảnh bởi chuyện ăn uống, hoặc là biếng ăn, hoặc ăn uống vô độ sẽ dẫn tới béo phì. Và có những trường hợp con đang bình thường, nhưng khi các mẹ ép ăn, khiến con trở nên sợ hãi, dẫn đến biếng ăn và ngày càng còi đi, điều này ảnh hưởng không tốt đến tâm sinh lý của trẻ.

Bụ nhưng vẫn thấp còi

Tháng 8 vừa qua, Tổ chức WHO đánh giá, Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia có số lượng trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi nhất thế giới. Cứ 4 trẻ Việt Nam dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Bác sĩ Hưng cho biết, điều ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ đó chính là dinh dưỡng, vận động và môi trường. Nhưng trong ba yếu tố trên thì yếu tố dinh dưỡng và vận động là yếu tố quan trọng. Nhiều trường hợp các mẹ đưa con đến trung tâm để tư vấn ở trong tình trạng còi xương thể bụ. Đó là do các mẹ thiếu khoa học trong cách cho con ăn. Như trong bữa ăn của con các mẹ chỉ chú trọng đến tinh bột và đạm chứ không chú trọng đến rau và dầu ăn. Trong khi đó thực phẩm bây giờ không đầy đủ chất như những gì chúng ta mong muốn bởi lạm dụng quá nhiều chất tăng trọng, chất bảo quản. Điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng bữa ăn của con. Hay nhiều bà mẹ lại không để ý đến vấn đề đưa dầu ăn vào trong bữa ăn cho con vì dầu ăn lại là chất có thể dẫn canxi, vitamin D là hai yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của con.

Như trường hợp bé Minh Vy, con chị Thanh, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội được 20 tháng, trông khá mập mạp. Nhưng mãi đến 10 tháng tuổi bé mới bắt đầu mọc răng. Đến nay 20 tháng, cân nặng của bé được 13 cân, nhìn thì mũm mĩm, da trắng như trứng gà bóc, hay cười nhưng chỉ mọc được 6 chiếc răng, đi lại lẩy bẩy, thường xuyên ngã, toàn thân hay toát mồ hôi trộm và chậm nói.

Bé Vy ăn và uống sữa rất tốt, nhiều khi bố mẹ không dám cho ăn hết tô cháo vì thấy con ăn nhiều hơn con nhà khác, bụng “to như bụng cóc”. Bữa ăn của bé luôn có thịt bò, tôm, trứng, phô mai… Nhưng bé ít được ra ngoài vì bố mẹ gửi bà nội trông, ông bà già yếu nên thường cho cháu chơi quanh ở trong nhà. Một số chị em có kinh nghiệm bảo: “Hay cho đi khám xem có thiếu canxi không”. Một số thì bảo: “Nhìn nó vẫn to béo, chỉ cần cho đi kiểm tra xem vì sao chậm nói thôi, ăn thế thì thiếu chất sao được”.

Nhưng khi mẹ đưa đi khám chậm nói, bác sĩ bảo “chậm nói bình thường, không có gì đáng ngại”, song bác sĩ bảo bé có dấu hiệu còi xương và đề nghị sang khám dinh dưỡng. Mẹ Vy kinh ngạc: Em tưởng bé cao và mập mạp như thế là đủ chất rồi chứ ạ? Khi thấy bác sĩ kê cho con uống thêm canxi và vitamin D thì mẹ Cún còn nghi ngại: Con mình cũng không hay ốm, sao phải uống thêm, có khi bác sĩ kết hợp cùng nhà thuốc kê toa… Sự thực không riêng chị Thanh mà nhiều chị em phụ nữ luôn tin rằng, trông con mập mập, cân nặng đủ như tiêu chuẩn thì làm sao thiếu chất, còi xương được.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng khuyên rằng, các bà mẹ hãy đủ tự tin và sáng suốt để lựa chọn cách chăm sóc đúng cho con. Mặc dù có những chuẩn chiều cao cân nặng, nhưng tùy từng trẻ mới có thể nhìn vào đó để đánh giá. Nhiều người cứ nghĩ rằng chỉ khi con không tăng cân trong thời gian dài, con còi cọc, hay quá béo phì thì mới đưa con đến các trung tâm dinh dưỡng. Nhưng đó lại là một quan niệm sai lầm. Việc phát triển toàn diện của trẻ về cả chiều cao, cân nặng và tinh thần. Ở từng độ tuổi hay đối với trẻ sơ sinh thì từng tháng tuổi con có những thay đổi về dinh dưỡng khác nhau. Các mẹ nên cho con đến các cơ sở dinh dưỡng để theo dõi về chiều cao, cân nặng cũng như các bước chăm sóc trẻ đặc biệt là những tháng đầu đời cho đến khi con 1 tuổi. Hằng tháng đưa con đến để kiểm tra và được tư vấn về cách chăm sóc cũng như chế độ dinh dưỡng của con. Đối với những trẻ trên 1 tuổi, bác sĩ Hưng khuyên rằng các mẹ nên đưa con đến các trung tâm dinh dưỡng 3 tháng 1 lần để con có môi trường dinh dưỡng tốt hơn.

Những em bé ngày nay gián tiếp đã trở thành “chuột bạch” cho những bà mẹ “thông thái”, những bà mẹ của thời đại Internet. Thấy con mình không mập khỏe bằng con hàng xóm, các mẹ bắt đầu trong tâm trạng hoang mang, lo lắng. Và thế là, con mình đang bình thường bỗng nhiên bị các mẹ lôi ra làm “chuột bạch” cho những “kế hoạch nhồi nhét”. Điều đó dẫn đến tác hại khôn lường đối với đời sống tâm lý của trẻ và đôi khi sẽ trở thành phản ứng ngược, không có bệnh lại trở nên bệnh.

 

Nguồn: Phan Linh (Theo Petrotimes)

 

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Nhận tin sản phẩm mới
  • Email:
facebook

Lượt truy cập
  • Hôm nay 2082
  • Tổng lượt truy cập 5,982,574