Không ít bà mẹ, nhất là những người lần đầu nuôi con, đã bỏ qua hiện tượng nôn trớ của trẻ. Thực chất đây là một bệnh lý, nếu không xem xét kỹ thì có thể sẽ gây nguy hiểm cho bé. |
Nôn là hiện tượng đẩy ngược các chất trong dạ dày qua miệng do các động tác gắng sức của cơ thể. Trớ xảy ra mỗi khi trẻ ăn no, sau mỗi lần rướn người hoặc thay đổi tư thế đột ngột. Hiện tượng nôn trớ là một biểu hiện bất thường ở trẻ khi bú, hậu quả là thức ăn trào ngược từ dạ dày qua miệng.
Khi bú, sữa xuống dạ dày qua tâm vị (còn gọi là van tâm vị một chiều). Trong dạ dày, sữa được hấp thụ một phần, phần còn lại xuống ruột qua môn vị (còn gọi là van môn vị một chiều). Bình thường vài giờ sau sinh, trẻ bú có thể nôn trớ chất nhầy đơn thuần hay lẫn chút máu, bởi niêm mạc dạ dày bị kích thích do nuốt phải một số chất như nước ối, dịch âm đạo... Khi thai sổ, trẻ sơ sinh đều trớ ít nhiều. Trẻ mập trớ nhiều hơn do hệ giao cảm hưng phấn, trương lực dạ dày cao hơn và ăn nhiều hơn.
Nôn trớ sinh lý còn gọi là trào ngược dạ dày - thực quản. Sức khỏe của trẻ trong thời gian này vẫn bình thường, ăn ngủ và vui chơi tốt. Sau 7-8 tháng tuổi, trớ sinh lý không còn nữa. Ở trẻ sơ sinh, các cơ van tâm vị còn yếu và xốp. Nếu tư thế trẻ bú không đúng sẽ làm cho không khí trong dạ dày dâng lên cùng với một ít sữa, qua tâm vị trào ngược lên thực quản và ra ngoài. Nôn trớ có thể do thay đổi thức ăn đột ngột (chuyển sang bột đặc mà bỏ qua giai đoạn loãng), ăn toàn bột từ sữa bò trong khi cơ thể bé không chịu được loại thực phẩm này.
Để hạn chế nôn trớ sinh lý ở trẻ, cần phối hợp các biện pháp sau:
Chế độ ăn: Bú làm nhiều lần trong ngày, mỗi lần bú không no quá, chuyển chế độ ăn từ từ...
Tư thế lúc bú: Bú bên vú trái trước, sau đó là vú phải. Không để trẻ khóc khi bú để tránh nuốt hơi gây căng dạ dày.
Nếu bú bình, để đầu núm vú bình sữa luôn đầy sữa, không để bình sữa nằm nghiêng. Khi bú xong, bế trẻ cao đầu trong 15-20 phút, vỗ lưng cho bé ợ hơi, sau đó đặt nằm nghiêng bên trái và kê gối hơi cao. Không để trẻ bú nằm dễ bị sặc, trớ sữa và không tâng bé lên xuống sau khi bú.
Dùng thuốc: Biện pháp này chỉ sử dụng khi việc điều chỉnh chế độ ăn và tư thế bú không có kết quả. Các thuốc tăng cường co thắt phần cuối thực quản, chống trào ngược và mở rộng cơ môn vị để thức ăn tống khỏi dạ dày như cisapride (propulsid), primpépan, bethanecol...
Qua thời kỳ nôn trớ mà trẻ vẫn không hết thì cần lưu ý một số bệnh sau:
- Nếu nôn trớ cấp tính kèm theo sốt thì cẩn thận với các bệnh đường tiêu hóa như nhiễm trùng dạ dày, ruột; ngộ độc thức ăn, viêm mũi, tai, viêm màng não, viêm ruột thừa, nhiễm vi khuẩn, virus...
- Nôn trớ không kèm theo sốt có thể do chế độ ăn sai lầm, hẹp môn vị, lồng ruột, thoát vị nghẹt, không dung nạp một số chất, rối loạn vận động dạ dày, thực quản... Trong trường hợp này, một số bác sĩ còn xếp nôn trớ bệnh lý theo các nguyên nhân như dị tật đường tiêu hóa, bệnh đường hô hấp trên, não và màng não hoặc ăn thức ăn nhiễm khuẩn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thế, Khoa Học và Đời Sống
Bình luận từ Facebook
Phản hồi