Ung thư hiện nay vẫn đang là một gánh nặng cho toàn cầu. Một căn bệnh nguy hiểm mà khoa học vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị.
Hiện nay số lượng người mắc và điều trị ung thư không ngừng gia tăng. Theo số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội Ung thư VN, mỗi năm cả nước có thêm khoảng 150.000 ca mắc bệnh mới và 75.000 ca tử vong do ung thư.
Nếu cộng thêm với số bệnh nhân đã mắc tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 240.000 – 250.000 bệnh nhân bị ung thư đang điều trị. Nguyên nhân của sự gia tăng này là do môi trường sống và làm việc bị ô nhiễm, do thực phẩm không an toàn, chế độ ăn uống không hợp lý, lối sống không lành mạnh như uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá...
Một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh chống lại bệnh ung thư.
Phương pháp điều trị ung thư phổ biến hiện nay là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Các phương thức này có thể làm giảm sự tiến triển của khối u, nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người bệnh như sụt cân, chán ăn, mệt mỏi, suy giảm sức đề kháng, dễ mắc bệnh...
Nhiều người lại có suy nghĩ ung thư là bệnh nan y, “ vô phương cứu chữa”. Tuy nhiên nếu ung thư được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng cách thì lại có kết quả khả quan. Bên cạnh phương pháp điều trị của bác sĩ bệnh nhân ung thư cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Theo GS- BS Nguyễn Chấn Hùng – chủ tịch hội Ung thư Việt Nam: Một chế độ ăn đảm bảo các chất đạm, bột đường, chất béo, các vitamin, khoáng chất và nước, cùng với vận động, tập thể dục thể thao sẽ giúp cơ thể đủ chất dinh dưỡng và sức khỏe để chống lại ung thư chứ không phải “cung cấp thêm chất đạm” cho khối u như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến dinh dưỡng với người mắc ung thư
Người mắc bệnh ung thư cần có chế độ dinh dưỡng và chăm sóc đặc biệt do họ có nhu cầu dinh dưỡng rất cao, trong khi khả năng ăn uống lại giảm sút. Chán ăn là biểu hiện hay gặp ở bệnh nhân ung thư do thay đổi tâm sinh lý, do các chất tiết của khối u, của các tế bào miễn dịch và các cơ quan bị tổn thương trong cơ thể và do những tác dụng không mong muốn của quá trình điều trị. Khối u còn gây chèn ép, gây đau, có thể gây tắc nghẽn đường tiêu hóa, gây buồn nôn, nôn.
Những trường hợp phẫu thuật khối u vòm họng, miệng, thực quản, dạ dày, tá tràng, đại trực tràng, hoặc các tuyến tiêu hóa như ung thư gan - mật, tuyến tụy còn làm ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa và hấp thu bình thường của cơ thể. Suy dinh dưỡng còn do một lượng lớn chất dinh dưỡng bị các tế bào ung thư sử dụng, do tăng cường hoạt động của miễn dịch, do rối loạn chuyển hóa và rối loạn hoạt động của các cơ quan, bộ phận của cơ thể, như hệ thần kinh trung ương, tiêu hóa, nội tiết.
Tránh những quan niệm sai lầm về dinh dưỡng khi chăm sóc bệnh nhân ung thư
Dnh dưỡng là vấn đề vô cùng quan trọng trong điều trị ung thư. Cần phải xác định, việc ăn uống đối với bệnh nhân ung thư là không dễ, nhưng không vì thế mà người trong cuộc buông xuôi. Để giải quyết “bài toán khó” này, bệnh nhân cần lưu ý một số điểm quan trọng để có thể xây dựng một chế độ điều trị dinh dưỡng đúng:
1. Bồi bổ quá mức
Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị ung thư, thể chất suy nhược đi nên tích cực bồi bổ. Lại có những bệnh nhân thậm chí trong một thời gian ngắn mà bồi bổ quá lượng các thực phẩm như nhân sâm, đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, rùa.. như vậy là không đúng.
Bệnh nhân ung thư sau khi phẫu thuật, hóa xạ trị thường ăn uống kém, chức năng dạ dày suy giảm rõ rệt. Trong giai đoạn này nếu tích cực bồi bổ thì cơ thể sẽ không thể hấp thụ hết được. Khi chức năng dạ dày bị suy yếu thì sẽ dẫn đến ăn uống kém hơn, dạ dày không kịp hồi phục, hình thành nên chu kỳ ác tính, không có lợi cho sự hồi phục của bệnh nhân. Vì thế, các chuyên gia khuyên rằng việc ăn uống của bệnh nhân ung thư nên thanh đạm và hợp khẩu vị, do điều trị ung thư là cả quá trình lâu dài, việc bồi bổ không nên dồn cùng một lúc mà cần phải từ từ.
2. Giảm bớt ăn uống
Từ lâu nay, có một quan điểm sai lầm luôn tồn tại ở một số bệnh nhân ung thư: ăn uống càng tốt thì sẽ khiến khối u phát triển nhanh, cần phải giảm bớt việc ăn uống, “bỏ đói” khối u.
Tuy nhiên cho đến nay, chưa có chứng minh lâm sàng nào cho thấy hiệu quả của việc điều trị ung thư bằng phương pháp “bỏ đói khối u”. Phân tích cơ chế hoạt động của tế bào ung thư, GS.BS Phạm Duy Hiển, Bệnh viện K, cho biết nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng cơ bản của tế bào ung thư cao hơn tế bào bình thường. Do vậy, ngay cả khi bệnh nhân ung thư không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, tế bào ung thư vẫn tự lấy năng lượng để phục vụ nhu cầu hoạt động của chúng.
Bên cạnh đó khi không được nhập thức ăn, bản thân cơ thể cũng lấy protein để tạo năng lượng. Hậu quả là khối nạc cơ thể bị suy giảm nhanh chóng. Điều này tạo nên quá trình “tự thực” - tự lấy đi dưỡng chất của cơ thể, bên cạnh quá trình “xâm thực” cơ thể của các tế bào ung thư. Các cuộc chiến không ngừng trong cơ thể này làm sự chuyển hóa cơ bản của bệnh nhân ung thư tăng rất cao và bệnh nhân sẽ nhanh chóng rơi vào suy mòn nếu không được can thiệp dinh dưỡng hợp lý.
3. Chế độ ăn uống vô phương
Rất nhiều bệnh nhân do lo lắng sau khi ăn uống khối u sẽ tái phát nên “đi lệch phương hướng”, chế độ ăn uống vô phương.
Các nghiên cứu y học hiện đại đã chứng minh, “tác nhân gây bệnh” chủ yếu do hàm lượng chất kích thích chứa trong thức ăn, protein biến thể, histamin và các chất khác gây tái phát bệnh cũ, dị ứng da... Hiện nay y học hiện đại nghiên cứu trong lĩnh vực này chưa có chứng minh nào về căn cứ chính xác cho cái gọi là “ chất tác nhân” nhất định sẽ ảnh hưởng đến sự tái phát ung thư. Và trong một số chất tác nhân có chứa hàm lượng protein, chất khoáng, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì dinh dưỡng tốt cho cơ thể.
Các kiến nghị đưa ra rằng bệnh nhân ung thư không nên có “chế độ ăn uống” vô phương hướng. Cái gọi là “chế độ ăn uống” ở đây chính là căn cứ vào các loại bệnh khác nhau và tình trạng ăn uống hợp lý. Ví dụ, bệnh nhân ung thư gan không nên ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên, thực phẩm hun khói; bệnh nhân ung thư thực quản nên tránh ăn thực phẩm thô, tránh thức ăn mốc; bệnh nhân bị cổ chướng nên hạn chế muối và nước; bệnh nhân bị tiểu cầu thấp, có hiện tượng chảy máu nhiều cần chú ý các loại thuốc và thực phẩm giúp lưu thông máu; bệnh nhân sau khi hóa trị có hiện tượng tiêu chảy cần chú ý ăn các thực phẩm thô xơ nhiều hơn một chút...
Các loại rau quả tươi rất tốt cho người bị bệnh ung thư.
Người mắc ung thư nên ăn và không nên ăn gì?
Người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị về chế độ ăn uống vì điều này phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn của bệnh, phác đồ điều trị và thể trạng của người bệnh. Tuy nhiên, nguyên tắc chung là chọn thực phẩm dễ tiêu, hợp khẩu vị, chia nhỏ và ăn thành nhiều bữa nhằm bảo đảm cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể để duy trì được cân nặng và khối cơ bắp.
Do khả năng tiêu hóa và hấp thu cao hơn vào ban ngày, nên cần tăng lượng ăn vào buổi sáng và trưa, hơn là vào buổi tối. Khẩu phần cần tăng protein so với bình thường, trứng, cá, thịt gà, vịt là những nguồn cung cấp protein tốt cho bệnh nhân ung thư.
Cũng cần tránh những thực phẩm có khả năng gây đầy hơi như đậu nấu tái, quá nhiều rau bắp cải, gia vị cay như ớt, hạt tiêu. Không bổ sung các chất chống oxy hóa như vitamin A, E, C, Selen dưới dạng thuốc vì các thuốc này thường làm giảm khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. Cũng không nên dùng vitamin B12. Để bù nước do thay đổi mức chuyển hóa trong cơ thể, cũng như để làm giảm tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư, người bệnh cần uống đủ nước.
Trong một số trường hợp, nếu người bệnh hoặc do khối u chèn ép, hoặc do tâm lý... không thể ăn bình thường, có thể áp dụng phương pháp nuôi dưỡng qua ống sông hoặc bằng đường tĩnh mạch. Trong những trường hợp này, vẫn cần bảo đảm cung cấp đủ chất dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, đường bột, vitamin và muối khoáng.
Trong giai đoạn bệnh đã ổn định, chế độ ăn vẫn cần được cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng để bảo đảm nâng cao sức khỏe và tình trạng dinh dưỡng. Cần ăn nhiều hoa quả, nhất là đu đủ, dứa, tỏi, rau xanh. Ngoài ra cũng có thể sử dụng vitamin tổng hợp hoặc chất khoáng hằng ngày với liều nhỏ.
Cũng như trong dự phòng và quá trình điều trị ung thư, nên chế biến thực phẩm bằng phương pháp luộc, hấp nhỏ lửa, không dùng các cách chế biến như nướng, hun khói, rán, tẩm ướp đường vào thịt khi chế biến. Hạn chế ăn thịt, nhất là thịt màu đỏ (thịt trâu, bò, ngựa v.v...), thịt nguội và đồ hộp. Cần từ bỏ thói quen uống rượu, bia, cà phê, thuốc lá và tăng cường hoạt động thể lực.
Một số loại dưỡng chất cần đảm bảo trong bữa ăn
Đạm: Thịt cung cấp cho cơ thể các loại acid amin thiết yếu. Để đảm bảo cung cấp đủ các loại acid amin cần ăn đa dạng các loại thực phẩm, khẩu phần ăn phải cân đối giữa protein động vật và thực vật. Các loại thịt màu trắng như thịt gia cầm sẽ có lợi hơn cho sức khoẻ. Cơ thể cũng cần bổ sung thêm các nguồn sắt, kẽm...từ các loại thịt có màu đỏ như thịt lợn nạc, thịt bò... Các loại tôm, cua, cá, nhuyễn thể và hải sản cũng là nguồn cung cấp các acid amin và vi chất dinh dưỡng quý giá cho cơ thể.
Tinh bột: Nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt (gạo, ngô, lúa mì, hạt lúa mạch), các loại củ (khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn...). Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa đường đơn, gây nhiều tác hại cho cơ thể, đồng thời các chất phụ gia cho thêm vào thực phẩm trong quá trình chế biến và bảo quản cũng là một trong những nhân tố góp phần làm tăng tỉ lệ bệnh ung thư.
Chất béo (Lipid): Là chất cho giá trị năng lượng cao, giúp hình thành cấu trúc tế bào cơ thể. Do đó trong khẩu phần ăn hàng ngày cần phải có một hàm lượng lipid nhất định, trong đó hàm lượng acid béo không no không quá 50% tổng năng lượng.
Rau quả: Chọn các loại quả tươi sạch, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo quản trong điều kiện lạnh, hạn chế làm mất các vitamin trong quá trình chế biến cũng như sơ chế, bảo quản. Rau quả rất có lợi cho sức khoẻ do cung cấp các loại vitamin.
Nguồn: Thủy Anh tổng hợp/Web phunu
Bình luận từ Facebook
Phản hồi