Nhu cầu ăn uống của trẻ vị thanh niên

Nhu cầu ăn uống của trẻ vị thanh niên

 

Ai trong chúng ta chắc đều biết câu tục ngữ “Tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu”, điều này chứng tỏ đối với gia đình-xã hội, thanh thiếu niên là lứa tuổi trẻ khỏe và hậu quả là người ta ít quan tâm đến sức khỏe của trẻ em ở lứa tuổi này.

 

Thế nhưng trong một cuộc điều tra được tiến hành tại Trung tâm Dinh Dưỡng năm 2001, tại thành phố Hồ Chí Minh có 39% nam thanh niên tuổi 16-17 bị thiếu cân, 37% bị lùn và 15% trẻ đã bị suy dinh dưỡng vẫn cho là mình bình thường đã được báo cáo. Như vậy trẻ em lứa tuổi vị thành niên là đối tượng nguy cơ cao của suy dinh dưỡng thế nhưng lại là đối tượng ít được sự quan tâm của gia đình-xã hội và bản thân các em lại chưa ý thức được những nguy cơ sức khỏe đối với bản thân.

 

Vị thành niên là thời điểm duy nhất trong cuộc đời có sự tăng tốc về tăng trưởng và đây là cơ hội cuối cùng để trẻ phát triển và hoàn thiện tầm vóc. Thời gian tăng tốc thường kéo dài trong vòng 3 năm rưỡi. Ở nữ sự tăng tốc bắt đầu vào năm trước khi hành kinh thường là từ 10-13 tuổi và ở trẻ nam muộn hơn trẻ nữ 2 năm thường là 12-15 tuổi. Mỗi năm trẻ nữ tăng 9 cmvà 8.8 kg; còn trẻ nam tăng 10.3 cm và 9.8 kg và chỉ trong vòng 3 năm rưỡi sự tăng tốc này sẽ đóng góp 15% chiều cao và 50% cân nặng của trẻ khi trưởng thành.

Để trẻ đạt được tốc độ tăng trưởng tối ưu trong giai đoạn này trẻ cần được cung cấp đầy đủ năng lượng và đạm để tạo mô mới; đủ can xi để phát triển khối xương; sắt để phát triển hồng cầu và khối cơ; và cuối cùng là kẽm để hoàn thiện khối cơ xương.

Để bảo đảm đủ năng lượng trẻ cần ăn đủ bữa, nghĩa là 3 bữa chính và 1- 3 bữa phụ tùy theo tốc độ tăng trưởng của trẻ. Trẻ phải ăn tối thiểu là 2-3 chén cơm trong bữa chính, ăn béo để tăng đậm độ năng lượng ví dụ tăng sự xuất hiện thường xuyên  của thức ăn chiên xào trong thực đơn của trẻ.

Để bảo đảm đủ nguồn đạm trẻ cần ăn mỗi ngày 1 cái trứng, 70-100 g thịt, 1 bìa đậu hủ và ăn cá tối thiểu là 3 lần mỗi tuần.

Sữa là nguồn thực phẩm giàu can xi và còn là loại can xi có giá trị sinh học cao , việc trẻ uống 2 ly sữa mỗi ngày sẽ bảo đảm cho sự phát triển và dự trữ khối xương. Ngoài sữa, hải sản, cá nhỏ có thể ăn luôn xương như cá cơm, cá bống, mè và rau xanh cũng là nguồn thức ăn giàu can xi. Trẻ nên ăn tối thiểu 300 g rau mỗi ngày.



Sự hồng hào và rắn chắc khối cơ của trẻ được quyết định bởi việc ăn đủ chất sắt. Huyết, gan, thịt, mè là những món ăn nên thường xuyên xuất hiện trong thực đơn của trẻ.

Và cuối cùng là nếu thực đơn của trẻ mỗi tuần đều có tôm, tép, mực, hến, cua, rạm, ốc, so, hào, gan… và mỗi ngày đều có thịt hoặc cá thì chắc chắn là trẻ sẽ được nhận đủ nhu cầu về kẽm.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất chiều cao của trẻ nam 14 tuổi Nhật giảm 10 cm so với trước chiến tranh do hậu quả của tình trạng thiếu ăn. Biết được tầm quan trọng của dinh dưỡng trong việc cải thiện tầm vóc của dân tộc, bằng phương pháp hỗ trợ dinh dưỡng, trẻ em Nhật không những đã lấy lại được 10 cm chiều cao đã mất trước chiến tranh mà còn tăng được 5 cm trong vòng 23 năm sau chiến tranh. Học tập người Nhật, chúng ta cần quan tâm hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ đặc biệt là trẻ vị thành niên để tạo điều kiện cho sự phát triển tối đa về chiều cao trong giai đoạn tăng tốc và chắc chắn chiều cao của thanh niên Việt nam trong 10 năm tới sẽ khác với chiều cao hiện tại.

Nguồn: TS BS. Tạ Thị Tuyết Mai


Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Nhận tin sản phẩm mới
  • Email:
facebook

Lượt truy cập
  • Hôm nay 2035
  • Tổng lượt truy cập 5,982,527