Tiêu chảy là bệnh rất phổ biến ở trẻ nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách sẽ dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng và nhiễm trùng thậm chí gây tử vong ở trẻ.
Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có 3-5 triệu trẻ em tử vong vì tiêu chảy. Còn ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, trung bình trẻ dưới 5 tuổi tiêu chảy trung bình 3 lần trong một năm. Tại một số khu vực, con số này có thể lên tới 6-8 lần.
Dưới đây là những thắc mắc thường gặp quanh vấn đề tiêu chảy của bé do bất dung nạp lactose:
Xin bác sĩ cho biết, có phải trẻ bị tiêu chảy là do giữ vệ sinh không kỹ?
Thật ra, tiêu chảy không phải đơn thuần do giữ vệ sinh không kỹ, có nhiều nguyên nhân: Tiêu chảy có thể là do nhiễm trùng vi khuẩn hoặc virus (Rotavirus…) hoặc các ký sinh trùng. Do trẻ không dung nạp hay dị ứng với một số chất trong chế độ ăn của trẻ…
Bất dung nạp thường gặp nhất là bất dung nạp Lastose, đặc biệt là trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc điều trị tiêu chảy cấp không đúng thường làm giảm lượng men lactase ở nhung mao ruột. Đây là một trong những nguyên nhân rất phổ biến làm cho tình trạng tiêu chảy kéo dài hoặc trở thành tiêu chảy mãn tính.
Dấu hiệu nhận biết trẻ tiêu chảy do bất dung nạp Lactose?
Lactose là dạng đường chủ yếu có trong sữa và các sản phẩm từ sữa và được tiêu hóa trong ruột nhờ sự trợ giúp của men lactase. Nếu không có hoặc thiếu hụt men này cơ thể sẽ không dung nạp được lactose.
Bất dung nạp lactose là trẻ không có khả năng tiêu hóa và hấp thu đường lactose, đường lactose dư thừa được chuyển thành axit lactic nên khi ăn sữa hoặc các thực phẩm có chứa lactose với các dấu hiệu nhận biết như: Trẻ chướng bụng, sôi bụng, tiêu chảy, đi phân chua, hăm đỏ da quanh hậu môn. Mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng thường tùy thuộc vào lượng lastose ăn vào nhiều hay ít…
Nguyên nhân nào khiến trẻ không dung nạp Lactose?
Có 3 nguyên nguyên nhân dẫn đến bất dung nạp lactose:
Nguyên phát: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất của bất dung nạp lactose do thiếu lactase tương đối, xuất hiện ở trẻ em vào những độ tuổi khác nhau trong những nhóm chủng tộc khác nhau.
Thứ phát: Do tổn thương ruột non sau viêm dạ dày ruột do siêu vi (Rotavirus), trẻ bị bất dung nạp lactose thoáng qua, có thể hồi phục sau khi vấn đề bệnh viêm dạ dày ruột đã được giải quyết hoặc trẻ bị tiêu chảy kéo dài dẫn đến niêm mạc ruột tổn thương, men lactase không sản sinh đủ nên cơ thể trẻ không thể hấp thu được lactose dẫn đến triệu chứng bất dung nạp. Khi ấy sẽ khiến cho tình trạng tiêu chảy kéo dài và trầm trọng hơn là trẻ bị suy dinh dưỡng, và khi trẻ bi suy dinh dưỡng thì lượng men lactase càng giảm, vì vậy suy dinh dưỡng và tiêu chảy là vòng luẩn quẩn khó giải quyết.
Bẩm sinh: Nguyên nhân này rất hiếm gặp, biểu hiện ngay sau sinh do rối loạn nhiễm sắc thể, gây ngăn cản sản xuất men lactase.
Những nguy hiểm khi trẻ bị tiêu chảy do bất dung nạp Lactose?
Khi bị bất dung nạp lactose, trẻ sẽ bị tiêu chảy kéo dài và chuyển sang tiêu chảy mãn tính. Khi đó, nếu không được chẩn đoán đúng bệnh để loại khỏi lactose ra khỏi chế độ ăn của trẻ, bệnh sẽ khó hồi phục và dẫn đến rối loạn nước điện giải, gây suy dinh dưỡng nặng và thậm chí dẫn đến nguy cơ tử vong.
Điều trị như thế nào?
Thường khi bé bị tiêu chảy, nhiều bậc cha mẹ nghĩ ngay đến chuyện cho trẻ dùng kháng sinh, hạn chế các thực phẩm giàu dưỡng chất, không cho trẻ uống sữa. Đây là quan niệm hết sức sai lầm vì như vậy sẽ làm cho trẻ nhanh chóng thiếu hụt các chất dinh dưỡng, bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Đối với trường hợp trẻ bị tiêu chảy do không dung nạp Lactose, biện pháp hết sức quan trọng là loại trừ các thực phẩm có chứa Lactose, sử dụng sữa đặc chế không có lactose (hay còn gọi là lactofree) cho đến khi trẻ ngưng tiêu chảy hẳn.
Sau khoảng 1-2 tuần, khi ruột hồi phục, men lactase được sản xuất đầy đủ thì có thể dùng trở lại chế độ ăn trước đó, ngay cả khi trẻ bị tiêu chảy do các nguyên nhân khác việc sử dụng sữa lactofree cùng với các thức ăn khác theo tuổi vẫn là biện pháp hữu hiệu để làm tiêu chảy giảm nhanh.
Việc sử dụng sữa Lactofree được xem là giải pháp dinh dưỡng giúp trẻ vượt qua giai đoạn tiêu chảy nhưng vẫn đảm bảo cung cấp nguồn dinh dưỡng đủ để trẻ phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, cần lưu ý bổ sung canxi trong chế độ ăn của trẻ ở giai đoạn này vì chế độ ăn không có lastose sẽ ngăn cản sự hấp thu can xi.
Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Thị Yến - Trường Đại học Y Hà Nội
(Theo Vnexpress.net)
Bình luận từ Facebook
Phản hồi