Mẹ hết mực chăm ăn, hết cháo chim câu, cháo gà đến hải sản, váng sữa, sữa chua... nhưng mấy tháng liền bé Tun vẫn không lên cân do thừa đạm.
Chị Hà, mẹ bé Tun (Đào Tấn, Hà Nội) cho biết, cậu con trai gần 4 tuổi của chị ăn ít cơm nhưng tiêu thụ khá nhiều thức ăn. Chị rất chú trọng đầu tư vào bữa ăn cho con, chế biến đủ thực phẩm bổ dưỡng. Thi thoảng, chị đưa con đi ăn nhà hàng và bé đặc biệt thích đồ hải sản, có thể ăn một lúc hết gần một kg tôm hay hai con cua bể to... Dù vậy, suốt gần nửa năm nay cân nặng của bé vẫn giữ nguyên ở mức 15 kg.
"Không hiểu con ăn nhiều vậy mà các chất bổ đi đâu hết. Bác sĩ nói có thể vì cháu ăn nhiều đạm không tiêu hóa, hấp thu hết được", người mẹ chia sẻ. Chị cũng nói rằng thằng bé hay bị táo bón, gia đình cứ tưởng cháu nóng trong nên khó béo.
Chị Tâm ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cũng cùng tâm trạng như chị Hà. Nhà bán hàng cơm, đồ ăn nào ngon nhất, chị để dành cho con. Mỗi bữa, cậu con trai 3 tuổi ăn được một bát cơm đầy, lưng bát thức ăn (có thể là thịt, cá, tôm, cua...) và nửa bát canh. Song bé vẫn thuộc diện còi, thi thoảng bị tiêu chảy mặc dù mẹ đã tráng bát thìa rất cẩn thận bằng nước nóng.
Đưa con đi khám bác sĩ, chị cũng được bác sĩ tư vấn là nên điều chỉnh chế độ ăn của bé vì có thể cháu ăn nhiều chất đạm quá nên rối loạn tiêu hóa.
Nhiều bà mẹ cho con uống quá nhiều sữa công thức cũng khiến trẻ thừa đạm. Ảnh minh họa: MT. |
Theo thạc sĩ, bác sĩ nhi khoa Vũ Thị Thúy Lan, Phòng khám Cây Thông Xanh (trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng), đây là hai trường hợp điển hình của các bà mẹ quá chăm chút, cho con ăn nhiều đạm. Bác sĩ cho biết, rất nhiều bà mẹ nuôi con nhỏ hiện nay cho rằng con ăn ít nên tăng cường thịt cá để đủ chất. Đây là một sai lầm nghiêm trọng.
Protein (đạm) là thành phần cơ bản của tế bào, yếu tố tạo hình chính của các bộ phận trong cơ thể. Đạm rất cần thiết trong sản xuất kháng thể để bảo vệ cơ thể, do đó đáp ứng nhu cầu về đạm là vô cùng quan trọng. Thiếu hụt đạm sẽ dẫn đến cơ thể chậm tăng trưởng suy dinh dưỡng, rối loạn chức năng nhiều tuyến nội tiết, suy giảm miễn dịch, tăng tần suất nhiễm trùng. Tuy nhiên thừa đạm cũng vô cùng nguy hiểm.
Nhiều người chỉ cho rằng ăn nhiều đạm sẽ béo phì. Đó chỉ là bề nổi của một tảng băng. Ăn nhiều đạm động vật có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Khi cơ thể bị nạp quá nhiều đạm, áp lực lọc cầu thận bị tăng cao, gây mất nước, toan chuyển hóa. Lúc này, cơ thể phải huy động canxi từ xương để tạo thành phốt-phát can-xi, nhằm kiềm hóa và duy trì độ pH được duy trì ở mức ổn định. Vì canxi bị lấy từ xương nhiều, có thể dẫn đến xốp xương, loãng xương. Đồng thời khi canxi được lấy để cân bằng độ toan kiềm trong máu, chúng sẽ được đào thải qua thận. Quá trình này kéo dài dẫn tới việc lắng đọng, gây sỏi thận.
Số liệu phân tích của bộ phận dinh dưỡng phòng khám Cây Thông Xanh cho thấy, ở nhóm trẻ 6 tháng đến 5 tuổi, có tới 91% các bà mẹ hiện cho trẻ ăn đạm cao hơn so với nhu cầu cơ thể, chủ yếu ở nhóm dưới 3 tuổi. Trung bình tỷ lệ protein trẻ nạp vào hằng ngày qua đường ăn uống ở nhóm trẻ đến khám là 260% so với nhu cầu cơ thể có thể dung nạp, nghĩa là cao hơn 2,6 lần so với khả năng hệ tiêu hóa và thận của trẻ có thể hấp thu. Cá biệt, có trẻ được mẹ cho ăn đạm gấp 4 lần so với khả năng có thể hấp thu.
Theo bác sĩ Lan, phần lớn các trẻ được cho ăn đạm quá nhiều là con của nhóm bà mẹ cho con ăn theo kiểu Nhật, đi kèm với uống sữa bột công thức có hàm lượng đạm cao. Lượng đạm trẻ thu nạp qua đường thức ăn ở nhóm trẻ này thường đạt 100-150% so với nhu cầu cơ thể. Lượng đạm nạp thêm từ sữa bột công thức đẩy tỷ lệ quá tải đạm lên cao. Điều tất yếu thường thấy ở nhóm trẻ này là thường xuyên bị tiêu chảy mà không rõ nguyên do, phân nặng mùi, trẻ chán ăn hoặc ăn nhiều mà không lên cân.
Bác sĩ Lan cho rằng, cách cho trẻ ăn theo kiểu Nhật truyền thống thực sự rất khoa học. Người Nhật đã tính toán kỹ để trẻ có đủ hàm lượng dinh dưỡng và vi chất từ nguồn thực phẩm trong ngày mà không cần sữa. Các bà mẹ Việt Nam lại quan điểm phải có sữa thì trẻ mới có da có thịt, cao, thông minh nên đã thay đổi cách cho ăn và cho bé uống thêm sữa công thức. Bố mẹ càng có điều kiện kinh tế thì càng chọn sữa hàm lượng đạm cao. Nhiều người ghép cách cho ăn kiểu Nhật với sữa công thức theo tư vấn trên mạng khiến các bà mẹ tưởng là khoa học, thực ra lại hóa hại.
Trẻ con Việt Nam được mẹ cho ăn theo kiểu Nhật thường có tỷ lệ thu nạp vi chất thấp hơn so với nhu cầu của cơ thể. "Nguyên nhân là thực phẩm Nhật thường được trồng theo kiểu hữu cơ sạch, cây đủ dài ngày để tăng trưởng và tích lũy vi chất từ đất nên trẻ ăn 40 g rau vẫn có đủ vi chất. Ở Việt Nam, rau mua ngoài chợ thường bị phun thuốc tăng trưởng, cây không đủ thời gian để lấy vi chất từ đất nên ăn đủ lượng mà vi chất vẫn thiếu", bác sĩ Lan chia sẻ.
Làm thế nào để biết trẻ ăn đủ đạm? Theo khuyến cáo của Tổ chức kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, trẻ 1-3 tuổi cần 13 g và trẻ 4-8 tuổi cần 19 g đạm mỗi ngày. Ví dụ, trong 100 g thịt lợn nạc chứa 18 g đạm; 100 g đậu xanh chứa 20 g đạm; 100 g đậu nành chứa 35-40 g đạm; trong 100 g sữa bột trẻ em có 10-26 g đạm.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, tỷ lệ cân đối giữa đạm động vật (từ động vật và sản phẩm của động vật như trứng, sữa, phô mai) và đạm thực vật (từ rau, củ, quả, hạt) trẻ em cần thu nạp hằng ngày là 70/30. Có nghĩa trẻ em nên ăn 70% đạm từ động vật và 30% từ thực vật.
Như vậy, mỗi bữa mẹ chỉ cần nấu cho trẻ dưới 3 tuổi 20-30 g thịt, cá, tôm là đáp ứng được 70-80% lượng đạm từ động vật. Số đạm còn lại lấy từ thực vật: đậu đỗ, đậu phụ, rau lá có màu xanh đậm, sữa đậu nành và không cần phải cho uống thêm sữa bột công thức. "Để bổ sung đạm thực vật và vi chất cho con, cha mẹ cần tăng cường cho trẻ ăn rau xanh, trái cây sạch. Con lớn không chỉ nhờ đạm mà còn từ các vi chất tích lũy hàng ngày", bác sĩ nói.
Nguồn: Thủy Minh (Theo vnexpress)
Bình luận từ Facebook
Phản hồi