Hổ phụ sinh hổ tử!

Hổ phụ sinh hổ tử!

Kể từ kỳ tích 40 năm trước, cuối cùng Đại tá Từ Đễ, người phi công của Phi đội Quyết Thắng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND của Chủ tịch nước. Lễ trao tặng danh hiệu diễn ra ngày 22/10/2015 tại nơi đang trưng bày chiếc máy bay do chính ông cầm lái trong trận đánh Tân Sơn Nhất lịch sử. Tin vui đến với đại gia đình cố GS Từ Giấy vào một dịp không thể ý nghĩa hơn.

Thiếu tướng Từ Linh, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học quân sự - Bộ Quốc phòng, người con thứ hai của cố GS Từ Giấy xúc động chia sẻ: “Gia đình tôi nhận được tin này vào đúng ngày 10/10, ngày sinh nhật của bố tôi (GS Từ Giấy). Nếu còn sống, chắc cụ mừng lắm”.

Với người lính không quân anh hùng Từ Đễ, danh hiệu này là sự trân quý.

Với một trận đánh lịch sử để đời phá hủy 24 máy bay và diệt nhiều sinh lực địch, tác động toàn cục góp phần dứt điểm kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, Phi đội Quyết Thắng với tất cả 6 thành viên khi hoàn thành sứ mệnh đã là những anh hùng lịch sử của nhân dân. 


Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn (Phan Rang) chiều 28/4/1975 sau khi tấn công sân bay Tân Sơn Nhất

Với gia đình GS Từ Giấy, hai thế hệ cha và con đều được phong anh hùng là điều “xưa nay hiếm”.

Hai thế hệ Anh hùng

Nhiều thế hệ người Việt vẫn còn tâm trạng “chịu ơn” GS Từ Giấy, tác giả của những phong lương khô N70, N71 hay mô hình VAC (Vườn Ao Chuồng) đã “cứu đói, làm giàu” cho bao gia đình.

Từ một học trò nghèo, một bác sĩ mặt trận, bằng nỗ lực vươn lên với khát vọng công hiến, ông đã trở thành một trong 20 “huyền thoại sống của ngành dinh dưỡng thế giới”; người đầu tiên nhận giải thưởng "nhà dinh dưỡng xuất sắc nhất Châu Á" và được Ủy ban Dinh dưỡng Liên Hiệp quốc trao giải thưởng “Nhà khoa học đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp dinh dưỡng”, Anh hùng lao động.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cả dân tộc ra trận. Hàng vạn gia đình có nhiều người đi bộ đội, lên bưng biền, có nhiều gia đình cả hai thế hệ cùng lên đường chống Mỹ.

Một trong những gia đình mà cả hai cha con đều tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là gia đình GS Từ Giấy.

Hai cha con đi chiến dịch (Từ Giấy - Từ Đễ) với nhiệm vụ khác nhau và đường đi khác nhau nhưng đều hướng tới đích là giải phóng Sài Gòn.


Chiếc máy bay do Đại tá Từ Đễ lái trong trận đánh cùng Phi đội Quyết Thắng

Khi đó, GS Từ Giấy đang công tác ở Tổng cục Hậu cần và phụ trách một đoàn cán bộ lo việc quân nhu, quân y, xăng dầu, vận tải chi viện cho chiến trường.

Tướng Đinh Đức Thiện nghe được tin báo Phi đội Quyết Thắng có Từ Đễ, con trai cả của GS Từ Giấy đã đánh oanh tạc làm tê liệt sân bay Tân Sơn Nhất, mừng quá đã reo lên: “Này thằng Đễ nhà ông vừa đánh bom xuống Tân Sơn Nhất chiều nay đấy!”.

GS Từ Giấy mừng tuôn trào nước mắt.

Chỉ vài ngày sau, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong niềm vui chung, ngày 3/5/1975, người trí thức cách mạng Từ Giấy cũng được đón niềm vui riêng là ôm trọn đứa con thân yêu của mình ngay giữa Sài Gòn…

Trong những thành tích xuất sắc của Đại tá, Anh hùng LLVTND Từ Đễ, những đồng đội của ông thường nhắc đến hai kỳ tích.

Kỳ tích thứ nhất là vào đêm 18/12/1972, sân bay Kép bị máy bay F111 ném bom nhằm chặn Mig 21 của ta cất cánh, đánh B52.

Lệnh trên bằng mọi giá, Mig phải cất cánh bằng đường băng phụ đang sửa chữa của sân bay. Từ Đễ, trong đội hình Tiêm kích 923 đã trực tiếp chỉ huy cất cánh hạ cánh từ đường băng phụ chỉ rộng 16m và dài 1.500m…

Khi chiếc Mig hạ cánh an toàn, tất cả chuyên gia kỹ thuật, kể cả chuyên gia Liên Xô chỉ biết lắc đầu, không hiểu nổi vì sao lại có thể thực hiện những lần cất cánh kì lạ như vậy. Cho đến nay, trong lịch sử không quân, đây vẫn là dấu mốc chưa ai có thể vượt qua.

Kỳ tích thứ hai là có mặt trong đội hình Phi đội Quyết Thắng đánh Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975.

Nếp nhà gia giáo

Ông Từ Linh kể, GS Từ Giấy luôn là tấm gương về mọi mặt để các con noi theo, nhất là việc học. Ông thông thạo tiếng Pháp, Nga. Nhưng khi làm Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, phải làm việc với nhiều cá nhân, tổ chức nước ngoài nói tiếng Anh, ông lại tự học thêm tiếng Anh.

Có nhiều gia đình, các con phải “hì hụi” cả đời nhưng khó vượt thoát những bóng rợp danh tiếng của cha mẹ mình. Nhưng ở gia đình GS Từ Giấy thì khác.

"Hổ phụ sinh hổ tử”, các con ông đều thành đạt và tự xác lập được công danh và uy tín của mình. 


Ông bà Từ Giấy và các con trai. Từ trái qua phải hàng đứng: Con út Từ Ngữ, con cả Từ Đễ và con thứ Từ Linh

Đại tá Từ Đễ, được phong Anh hùng LLVTND, từng làm Phó Cục trưởng Cục Quân huấn QĐNDVN.

Người con thứ hai cũng theo binh nghiệp là ông Từ Linh, làm Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học quân sự - Bộ Quốc phòng.

Người con út của ông là Từ Ngữ cũng trở thành tiến sĩ, bác sĩ nổi tiếng. Nhưng quan trọng hơn, họ đều biết gìn giữ gia giáo, gia phong và tiếp truyền những giá trị truyền thống của gia đình để đến thế hệ con cháu cũng đều thành đạt, đức độ.

Ông Từ Linh tâm sự: “Nhớ lại khi nhận quân hàm Thiếu tướng, tôi về báo cáo ông, khi đó ông đã yếu nhiều; ông mở mắt nhìn và bắt tay chúc mừng, cười và mắt ngấn lệ. Năm nay, nếu như như còn sống, hẳn bố tôi cũng mừng lắm vì tin vui của Từ Đễ.

Được tin anh Từ Đễ được tặng danh hiệu cao quý này, người đầu tiên tôi nghĩ tới là bố mẹ. Bố mẹ chúng tôi không “lên lớp” là phải sống như thế nào, nhưng bằng việc làm cụ thể của mình đã dạy chúng tôi nên người.

Tôi nói với các con cháu: Một gia đình có ông nội là Giáo sư, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động, có bác Từ Đễ là Anh hùng LLVTND, có bố là Thiếu tướng quân đội, có chú Từ Ngữ là tiến sĩ, bác sĩ... như thế là rất hiếm. Bố nghĩ đây là điều mà các con chịu 'áp lực' đấy, phải giữ gìn, phát huy truyền thống đó".

Theo Phạm Nguyễn - vietnamnet.vn

Bình luận từ Facebook

Phản hồi

Tin tức khác

Hỗ trợ trực tuyến
Quảng cáo
Nhận tin sản phẩm mới
  • Email:
facebook

Lượt truy cập
  • Hôm nay 664
  • Tổng lượt truy cập 2,736,478